TƯ DUY CỦA THẦY BÓI CỘNG VỚI TƯ DUY NHÀ KHOA HỌC
Có một sự thật là bộ não của chúng ta luôn tiếp nhận thông tin, phân tích, kết luận theo một KHUÔN MẪU quen thuộc với mỗi người. Điều này đến từ n lần trải nghiệm trong quá khứ bồi đắp tạo thành, bao gồm cả những trải nghiệm tương tự trực tiếp cũng như những kết nối liên quan gián tiếp.
Những từ khóa quan trọng để các Sếp tìm hiểu thêm bao gồm: Framing Effect (Khung tư duy), Thiên Kiến Nhận Thức (Cognitive Biases), Tư Duy Lối Mòn (Path Dependency), Fixed Mindset (Tư duy cố định)…
Những nghiên cứu của các nhà khoa học thần kinh & não bộ, tâm lý, sinh học…bao gồm John Bargh, Daniel Kahneman, Bruce Lipton chỉ ra rằng khoảng 95% các hành vi và quyết định của chúng ta là dựa trên cơ chế tự động được vận hành bởi những khuôn mẫu nói trên. Khuôn mẫu giúp bộ não xử lý nhanh hơn, đỡ tốn năng lượng hơn, đỡ căng thẳng hơn; giúp chúng ta phản ứng nhanh với các tình huống cấp bách nguy hiểm (Các phản xạ như đánh tay lái khi gặp tình huống bất ngờ, di chuyển ngay ra nơi khác/hoặc có người thì là tiến lại gần xem khi có nhóm người đang thử tác động vật lý với nhau…)
Lối tư duy trên có thể gọi là tư duy thầy bói – kiểu tư duy dựa trên kinh nghiệm, trải nghiệm, trực giác. Ưu điểm là phán đoán và xử lý nhanh, người khác nói chưa xong mình đã nghĩ xong. Mặt trái là thương bị dính mắc vào quan điểm và góc nhìn của bản thân, tư duy và hành động theo một lối mòn mà không biết cái ngày hôm qua làm được chưa chắc hôm nay đã làm được (Vì bối cảnh thay đổi) và có thể dẫn đến những thất bại thảm hại do chủ quan.
Tư duy khoa học không bao giờ đưa ra kết luận dựa trên cảm giác thuần túy. Nhà khoa học luôn đặt ra giả thuyết, thực hiện các thí nghiệm, ghi lại kết quả, và từ đó, đưa ra các kết luận chính xác dựa trên dữ liệu.
Trong bối cảnh thế giới biến động khó lường, công nghệ phát triển hỗ trợ thu thập và xử lý thông tin, dữ liệu nhanh và chính xác hơn, nhà lãnh đạo rất cần rèn luyện sự kết hợp giữa tư duy thầy bói và tư duy khoa học. Trực giác rất tuyệt vời, giúp chúng ta có được đánh giá nhận định ban đầu. Đánh giá, nhận định nhưng không dính mắc (Có thực hiện những bài luyện tập để biết mình có đang dính mắc?) và ngay sau đó quay về tư duy khoa học để xây dựng những giả định cũng như thiết lập bài toán thử sai liên tục cho đến khi đạt kết quả mục tiêu.
Việc áp dụng sự kết hợp giữa tư duy thầy bói và tư duy khoa học cũng không nên dính mắc. Trong những tình huống cấp bách, tối quan trọng, những người thành công vẫn ra quyết định nhanh dựa trên trực giác (và chấp nhận rủi ro). Điều quan trọng nhất vẫn là biết mình đang làm gì và biết mình có thể có lựa chọn tốt hơn hay không!
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!